Qúa trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Công an tỉnh Nam Định
Cách mạng tháng Tám thành công, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Nam Định ra đời. Cùng với sự ra đời của chính quyền cách mạng, ngày 21/8/1945, Ty Liêm phóng và Ty Cảnh binh - các tổ chức đầu tiên của Công an tỉnh Nam Định được thành lập. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu một chặng đường vẻ vang của lực lượng Công an tỉnh Nam Định.
Ngay từ khi mới ra đời, lực lượng Công an Nam Định đã bước ngay vào cuộc chiến đấu gian khổ, gay go phức tạp trong điều kiện lực lượng còn mỏng, hết sức khó khăn, tình hình trị an vô cùng phức tạp và lập nên những chiến công vô cùng vẻ vang, đập tan mọi âm mưu thâm độc và hoạt động của các đối tượng phản cách mạng, bảo vệ Đảng và chính quyền dân chủ nhân dân còn non trẻ.
Cùng với quá trình chiến đấu, công tác xây dựng lực lượng Công nhân dân luôn được Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, chăm lo xây dựng, phát triển lớn mạnh không ngừng. Ngày 21/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23-SL thành lập Việt
Nam Công an vụ. Tiếp đó ngày 18/4/1946, Bộ Nội vụ ban hành Nghị định số 212-NgĐ
về tổ chức Việt Nam Công an vụ. Thực hiện Sắc lệnh số 23/SL và Nghị định số 212-NgĐ, tháng 8 năm 1946 Ty Liêm phóng và Ty Cảnh binh tỉnh Nam Định hợp nhất thành Ty Công an Nam Định để làm nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân, trấn áp kịp thời bọn phản cách mạng và bọn tội phạm khác, giữ gìn trật tự trị an.
Trải qua 9 năm kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ, hy sinh, Ty Công an Nam Định luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, mưu trí, dũng cảm chiến đấu, lập nhiều chiến công thầm lặng nhưng oanh liệt, đấu tranh làm thất bại mọi hoạt động gián điệp, do thám của thực dân Pháp xâm lược; đập tan âm mưu hoạt động đảo chính, lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân của các thế lực tay sai phản động. Nhiều cán bộ, chiến sỹ Công an nêu cao khí phách kiên cường, dũng cảm lập công xuất sắc, tiêu biểu như các đồng chí: Phan Thị Mộng Loan (Điệp báo Ty Công an Nam Định), Đỗ Nguyễn Sáu (Đội viên Công an xung phong huyện hải Hậu), Bùi Văn Ba (Đặc phái viên trinh sát miền Hải Hậu)…
Tháng 8 năm 1954, Ty Công an Nam Định được kiện toàn thành hai đơn vị độc lập là Ty Công an tỉnh Nam Định và Ty Công an thành phố Nam Định. Đến tháng 9 năm 1957, theo sự điều chỉnh địa giới hành chính, Ty Công an tỉnh Nam Định hợp nhất với Ty Công an thành phố Nam Định thành Ty Công an Nam Định. Ngày 21/4/1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 103-NQ/TVQH, sáp nhập hai tỉnh Hà Nam và Nam Định thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là tỉnh Nam Hà. Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tháng 5 năm 1965, Ty Công an Nam Định và Ty Công an Hà Nam hợp nhất thành Ty Công an Nam Hà.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ty Công an Nam Định, sau là Ty Công an Nam Hà đã nhanh chóng chuyển hướng về tổ chức và hành động, tiến hành đấu tranh bóc gỡ hàng chục tổ chức, đối tượng gián điệp; dập tắt các vụ nhen nhóm phản động và hoạt động gây bạo loạn của các đối tượng phản cách mạng. Nổi bật là phối hợp cùng lực lượng Công an Hà Nội, Hải Phòng đấu tranh thành công chuyên án gián điệp cài lại do Trần Minh Châu (tức Cập) cầm đầu, đánh bại hoàn toàn âm mưu và kỳ vọng của Cơ quan tình báo Mỹ. Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, Ty Công an Nam Hà đã chi viện 239 đồng chí cho An ninh miền Nam; sát cánh cùng lực lượng an ninh miền Nam tiến hành công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và khu căn cứ cách mạng, đồng thời thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Trong cuộc kháng chiến ác liệt đó, đã có 54 đồng chí anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã đưa cách mạng nước ta chuyển sang giai đoạn mới: Cả nước độc lập, thống nhất cùng tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Phát huy truyền thống tốt đẹp của toàn lực lượng, Ty Công an Nam Hà đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức, phát triển lực lượng và triển khai các mặt công tác nhằm ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn toàn tỉnh, phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Đảng. Ngày 27/12/1975, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa V quyết nghị hợp nhất tỉnh Nam Hà và Ninh Bình thành tỉnh mới lấy tên là Hà Nam Ninh. Theo đó, tháng 1 năm 1976, Ty Công an Nam Hà hợp nhất với Ty Công an Ninh Bình thành Ty Công an Hà Nam Ninh. Ngày 26/12/1991, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII ban hành Nghị quyết chia tỉnh Hà Nam Ninh thành hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình. Theo đó, tháng 4 năm 1992 Công an tỉnh Hà Nam Ninh tách thành Công an tỉnh Nam Hà và Công an tỉnh Ninh Bình. Năm 1996, tỉnh Nam Định được tái lập, Công an tỉnh Nam Hà được Bộ Nội vụ quyết định chia tách thành Công an tỉnh Nam Định và Công an tỉnh Hà Nam.
Bước vào sự nghiệp đổi mới, lực lượng Công an Nam Định đã tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai, thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng về công tác Công an trong tình hình mới. Tổ chức thực hiện có hiệu quả “Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia”, “Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm”, “Chương trình quốc gia phòng chống ma túy”. Tham mưu đề xuất và trực tiếp giải quyết nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề tôn giáo, dân tộc, an ninh kinh tế, an ninh nông thôn, an ninh văn hóa - tư tưởng, nổi bật là tháng 6 năm 2002, lực lượng Công an Nam Định đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ ổn định tình hình an ninh nông thôn ở huyện Giao Thủy, được Bộ Công an đánh giá cao và nhiều tỉnh, thành phố nghiên cứu, học tập kinh nghiệp. Chủ động phòng ngừa và liên tục mở nhiều đợt tấn công, truy quét tội phạm, đặc biệt là tội phạm “ổ nhóm” mà đỉnh cao là “Chiến dịch 135”. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ với nhiều mô hình hiệu quả và nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ góp phần xây dựng, củng cố thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc. Đồng thời làm tốt công tác xây dựng lực lượng, thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06/8/2018 của Chính phủ quy định “Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an”, đến tháng 10 năm 2019 Công an tỉnh Nam Định đã hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy theo đúng quy định, cơ cấu của Bộ Công an và bố trí 100% Công an xã, thị trấn chính quy.
Đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, lực lượng Công an tỉnh Nam Định luôn tự hào, tin tưởng và phát huy cao độ truyền thống anh hùng vẻ vang; tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân; thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, hun đúc bản lĩnh chính trị, vững vàng trước mọi tình huống; không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật, nghiệp vụ để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ nặng nề mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.