CẢNH BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG CUỘC GỌI ĐẦU SỐ QUỐC TẾ LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Thời gian qua tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt
tài sản ngày càng diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn phức tạp, tinh
vi rất khó khăn cho việc phát hiện, phòng ngừa, bắt giữ, xử lý. Tập trung các
phương thức, thủ đoạn sau:
(1) Giả danh lực
lượng Công an, Viện kiểm sát, nhân viên bưu điện yêu cầu chuyển tiền xác minh
nguồn gốc: Đối tượng sử dụng số điện thoại khuyến mại, không đăng ký chính chủ
do nhà mạng quản lý; gọi điện, giả danh là nhân viên bưa điện, thông báo chủ
thuê bao nợ cước viễn thông hoặc giả danh là cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa
án thông báo chủ thuê bao có liên quan đến các vụ án hình sự đang bị điều tra
nhằm mục đích khai thác các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, sau đó yêu
cầu nạn nhân chuyển toàn bộ tiền tiết kiệm vào một tài khoản ngân hàng bọn
chúng chuẩn bị sẵn, để kiểm tra nguồn tiền, rồi chiếm đoạt.
(2)
Người nước ngoài nhắn tin làm quen qua Facebook, Zalo gửi quà, tiền mặt… yêu
cầu chuyển tiền phí nhận hàng: Thông qua các mạng xã hội, đối tượng tìm hiểu,
làm quen với người bị hại, tập trung vào phụ nữ độc thân, thiếu thốn tình cảm;
đối tượng tự nhận là doanh nhân, người có kinh tế, quân nhân, làm việc, sinh
sống tại nước ngoài… Sau khi làm quen, đối tượng thông báo gửi các món quà giá
trị, như: ngoại tệ, Laptop, Iphone, túi xách, nữ trang đắt tiền… cho bị hại.
Các đối tượng dùng hình ảnh bưu kiện giả có ghi thông tin đơn hàng đang vận
chuyển gửi cho bị hại kiểm tra để tạo lòng tin. Sau đó, chúng giả mạo nhân viên
sân bay, hãng vận chuyển, hải quan nêu ra nhiều lý do, như nộp tiền phạt, tiền
chống khủng bố… yêu cầu bị hại chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng do đối
tượng đã chuẩn bị sẵn rồi chiếm đoạt.
(3) Gọi
điện, nhắn tin thông báo trúng thưởng xe SH, tivi, tiền mặt… yêu cầu chuyển
tiền hoặc nạp thẻ cào điện thoại làm phí nhận thưởng: Đối tượng sử dụng sim rác
hoặc thông qua mạng xã hội mạo danh các công ty viễn thông gửi tin nhắn hoặc
gọi điện thông báo khách hàng trúng các phần thưởng có giá trị như xe máy SH,
Lyberty, số lượng tiền mặt lớn… yêu cầu bị hại gửi tiền vào các tài khoản ngân
hàng của chúng hoặc mua thẻ cào điện thoại chuyển cho chúng làm thủ tục nhận
thưởng nhằm chiếm đoạt tài sản.
(4) Đăng
ký mua hàng qua mạng xã hội, yêu cầu truy cập vào trang Web nhận tiền quốc tế,
điền thông tin tài khoản và mã OTP để nhận tiền: Đối tượng sử dụng thông tin cá
nhân giả mạo đăng ký các tài khoản mạng xã hội, tìm kiếm người bán hàng online
trên mạng, kết bạn, nhắn tin mua hàng. Khi người bán hàng đồng ý, đối tượng yêu
cầu gửi tài khoản ngân hàng có đăng ký dịch vụ Internet Banking, số điện thoại
và thông tin chủ tài khoản. Sau đó, chúng sử dụng sim rác nhắn tin chủ tài
khoản với nội dung “tài khoản của bạn đã được cộng một số tiền, để nhận tiền bạn
hãy truy cập vào trang Web có đường dẫn ở cuối tin nhắn rồi nhập đầy đủ thông
tin, như tên tài khoản, số tài khoản và mã OTP (mã ngân hàng cung cấp để thực
hiện giao dịch chuyển, nhận tiền) để hoàn tất thủ tục nhận tiền”. Khi bị hại
truy cập vào Website ngân hàng giả do đối tượng gửi, nhập thông tin mã OTP thì
đối tượng chiếm được quyền sử dụng dịch vụ Internet Banking tài khoản ngân hàng
của bị hại và ngay lập tức sẽ rút toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng này
để chiếm đoạt.
(5) Giả danh là nhân viên công ty xổ số, biết
trước kết quả yêu cầu chuyển tiền để mua số: Đối tượng dùng sim rác gọi điện
đến các thuê bao di động giới thiệu có người quen ở công ty xổ số biết trước
kết quả lô, đề, nếu đánh chắc chắn sẽ trúng, đề nghị người bị hại chuyển tiền
cho các đối tượng để mua số lô, đề sau đó chiếm đoạt tiền của bị hại.
(6) Hack
hoặc mạo danh tài khoản mạng xã hội của người khác, lừa đảo người thân của chủ
tài khoản để chiếm đoạt tài sản: Đối tượng hack hoặc lập tài khoản mạng xã hội Facebook
(chủ yếu là người Việt Nam, sinh sống, làm việc ở nước ngoài) sử dụng mạo danh
chủ tài khoản để nhắn tin, đề nghị người nhà ở Việt Nam mua thẻ cào điện thoại
gửi hoặc gửi tiền vào các tài khoản Ngân hàng bọn chúng chuẩn bị sẵn để chiếm
đoạt.
Đáng chú ý thời gian gần đây xuất hiện việc
các đối tượng sử dụng các đầu số nước ngoài như: +224 (Guy
nê), +247 (đảo Ascension), +252 (Somali), +375
(Belarus); +371 (Lativa), +381 (Xéc-bi-a), +563 (Valparaiso), +370 (Vilnius),
+255 (Tanzania)... để thực hiện các cuộc gọi hoặc nháy máy tới nhiều thuê bao
di động vào khoảng thời gian nửa đêm về sáng hoặc vào buổi tối; phần lớn những
cuộc gọi được thực hiện với thời lượng vài giây, nếu người sử dụng thuê bao di
động gọi lại cho những số điện thoại có đầu số lạ trên thì tài khoản của họ
sẽ bị trừ một khoản tiền lớn.
Qua kiểm tra, xác minh những cuộc gọi từ số điện thoại quốc tế nêu trên thường rơi vào một trong
hai tình huống: Một là nháy máy nhằm lôi kéo người dùng gọi lại để phát sinh
cước viễn thông ngoài ý muốn, ví dụ, cước gọi đến số điện thoại vệ tinh trung
bình 99.000 đồng/phút, cao nhất có thể đến 150.000 đồng/phút và bị tính cước
ngay khi đổ chuông; Hai là lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn như trên.
Để đảm
bảo quyền và lợi ích của người dân đồng thời nâng cao cảnh giác phòng ngừa tội
phạm, Công an tỉnh Nam Định đề nghị Nhân dân:
1. Không cung
cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng
cho người lạ qua điện thoại (Lưu ý: Cơ quan chức năng không làm việc qua
điện thoại, chỉ làm việc trực tiếp tại trụ sở cơ quan chức năng).
2. Không đăng tải số điện thoại, căn cước công dân, địa chỉ nhà ở, số tài
khoản ngân hàng… lên mạng xã hội. Tuyệt đối không cung cấp mã OTP do ngân hàng
gửi cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng.
3. Đối với các cuộc gọi giả danh Công an, Viện kiểm sát, Tòa
án, Ngân hàng hoặc thông báo có quà từ bưu điện… người dân cần nâng cao
cảnh giác, tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào. Trong trường hợp này,
người dùng cần tắt máy ngay và trình báo ngay cho cơ quan Công an để xử lý. Nếu
đã chuyển tiền thì liên hệ với ngân hàng hoặc báo ngay cho cơ quan Công an để
kịp thời phong tỏa tài khoản.
4. Khi
nhận cuộc gọi nháy máy từ số điện thoại có mã vùng quốc tế
(hiển thị dấu cộng (+) hoặc 00 ở đầu và hai số tiếp theo không phải là 84 - Mã
nước Việt Nam), người dùng không nên gọi lại, chỉ nên gọi lại khi biết chắc chắn đó là số
điện thoại của người thân ở nước ngoài. Cảnh giác ở mức tối đa đối với cuộc gọi
đến từ số điện thoại lạ; không nên vội vàng nghe điện thoại từ người lạ; với những
thông tin nghe mập mờ, không chính xác cần bình tĩnh xác minh, tránh bị lợi
dụng, lừa đảo, tống tiền (tuyệt đối không gọi lại những số điện thoại nghi ngờ
là lừa đảo có mã vùng lạ như: +224 , +252, + 371….).
5.
Nêu cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không giao dịch tài sản với người không
biết rõ nhân thân, lai lịch.
Công an tỉnh Nam Định