Tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan
đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hiện nay mặc dù đã được kiềm chế nhưng
còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, tình trạng các nhóm đối tượng, nhóm thanh
thiếu niên sử dụng hung khí tự chế để giải quyết mâu thuẫn trả thù cá nhân gây
án,… gây ra những vấn đề bức thiết trong công tác bảo đảm an ninh trật tự.
Công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội
phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã được Chính
phủ, các Bộ, ngành chỉ đạo triển khai quyết liệt trong suốt 5 năm qua. Trong
đó, Bộ Công an đã phát huy vai trò nòng cốt, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa
phương triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, triệt phá với tội
phạm này. Theo báo cáo của Công an các đơn vị, địa phương, trong 5 năm triển
khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các
lực lượng chức năng đã đấu tranh phát hiện, bắt giữ 19.384 vụ, 31.013 đối
tượng vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Riêng tội phạm chế tạo,
mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép súng tự chế, vũ khí thô sơ,
vũ khí tương tự vũ khí thô sơ (dao, kiếm …), linh kiện để lắp ráp
là 14.804 vụ (chiếm 76%), 22.532 đối tượng (chiếm 72,6%);
mua bán, vận chuyển trái phép linh kiện để lắp ráp vũ khí 743 vụ (chiếm
3,8%), 745 đối tượng (chiếm 2,4%). Như vậy, tội phạm sử
dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, vũ khí tương tự vũ khí thô sơ và sử dụng các
loại dao gây án tiếp tục diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng, năm
sau cao hơn năm trước (năm 2022 xảy ra 1.127 vụ, 1.782 đối tượng,
so với năm 2019 tăng 128 vụ = 12,8 %, 350 đối tượng = 24,4 %).
Cục Cảnh sát hình sự đã chỉ đạo, phối hợp Công an một số địa
phương đấu tranh, triệt phá một số chuyên án về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ
trợ, chỉ tính riêng, từ 15/12/2021 đến 15/8/2023, lực lượng Cảnh sát hình sự
toàn quốc đã phát hiện, tiếp nhận, xử lý 3.729 vụ việc/8.213 đối tượng liên
quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, khởi tố 1.601 vụ/3.768 đối tượng.
Qua phân tích 31 đối tượng đã bị bắt giữ trong các chuyên án
điển hình, Cục Cảnh sát hình sự cho biết: Các đối tượng chủ yếu từ có độ tuổi
từ 18 đến 40 tuổi, không có công việc ổn định, có hiểu biết về công nghệ thông
tin và cơ khí để chế tàng trữ, mua bán trái phép đến vũ khí, vật liệu nổ, công
cụ hỗ trợ trên không gian mạng, sử dụng dịch vụ bưu chính, đối tượng vi phạm
thường tập trung ở những địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT hoặc khu vực biên
giới. Mặt khác, hiện nay nổi lên tình trạng các nhóm đối tượng, nhóm thanh
thiếu niên sử dụng hung khí tự chế như dao, kiếm, mã tấu, phóng lợn... để đâm
chém, giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cụ, chống người thi hành công
cụ, diễn biển phức tạp tại một số địa phương, gây bức xúc trong quần chúng nhân
dân cũng là những vấn đề đặt ra trong công tác bảo đảm an ninh trật tự.
Công an các địa phương đã áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phòng
ngừa, đấu tranh, bắt giữ xử lý các đối tượng vi phạm, điển hình: ngày
22/8/2022, Công an tỉnh Kiên Giang phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự phá chuyển
án bắt giữ 13 đối tượng, thu giữ 366 khẩu súng các loại, trong đó: 12 súng có
tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng; 46 khẩu súng CCHT, 308 khẩu súng
xếp loại đồ chơi nguy hiểm cùng các loại thiết bị, máy móc dùng để gia công,
chế tạo lắp ráp súng. Tiếp đấy, ngày 17/3/2023, Công an tỉnh Đồng Nai phá
chuyên án, bắt giữ 7 đối tượng, thu giữ 18 khẩu súng các loại (AR15, K59,
Shortgun, hoa cải, rulo..), 1.059 viên đạn các loại và nhiều máy móc, thiết bị
để chế tạo lắp ráp súng. Cùng thời điểm, ngày 22/3/2023, Công an tỉnh Bình
Dương phá chuyên án bắt 2 đối tượng về hành vi mua bán, tàng trữ trái phép vũ
khí, thu giữ 19 khẩu súng các loại (2 súng dài, 17 súng rulo ổ xoay), 350 viên
đạn và nhiều dụng cụ để chế tạo súng. Ngày 2/4/2023, Công an tỉnh Thanh Hoá phá
chuyên án bắt giữ 4 đối tượng về hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển mua bán
trái phép vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, CCHT, thu giữ 1 khẩu súng AK, 216
khẩu súng các loại, 79 viên đạn quân dụng, 40 kg đạn bi sắt, 1,5 tấn đạn chì,
700 kg kim loại chì và máy móc, thiết bị dụng cụ dùng để sản xuất đạn chì. Ngày
05/7/2023, tại Quang Trung, Hữu Văn, Chương Mỹ, Hà Nội, đối tượng Nguyễn Trọng
Khiêm do mâu thuẫn cá nhân đã dùng kiếm đâm 01 người tử vong. Ngày
28/7/2023, Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp với Công an tỉnh Bến Tre bắt giữ 31
đối tượng về hành vi tàng trữ, vận chuyển vũ khí, công cụ hỗ trợ, thu 04 khẩu
súng ngắn, 01 quả nổ tự chế, 01 bình xịt hơi cay, 01 áo chống đạn và 03 con
dao… Như vậy, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công
cụ hỗ trợ, linh kiện lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ trên không gian mạng, dịch
vụ bưu chính vẫn có diễn biến phức tạp, chủ yếu diễn ra ở các tỉnh, thành phố
lớn, địa bàn phức tạp ANTT, các đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội kết nối, hình
thành các đường dây, ổ nhóm để mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu
nổ, công cụ hỗ trợ với số lượng lớn, diễn ra trên nhiều địa phương.
Qua phân tích nguyên nhân và điều kiện phạm tội cho thấy, số đối
tượng có nhu cầu mua, sử dụng vũ khí, công cụ để sử dụng vào nhiêu mục đích
khác nhau như trưng bày, phục vụ sở thích (tò mò cá nhân), phòng thân, phô
trương thanh thế, khoe khoang trên mạng, sử dụng làm hung khí gây án, hoặc mua
đi bán lại để kiếm lời từ đó đủ để hình thành “thị trường” mua bán vũ khí, công
cụ hỗ trợ. Mặt khác, việc quảng cáo, giao dịch mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ,
hướng dẫn lắp ráp, chế tạo, gia công cải tạo các loại súng thông qua các kênh
mạng xã hội thiếu sự kiểm soát; việc sử dụng các hình thức liên lạc, thanh
toán, vận chuyên qua sim rác, tài khoản ảo bưu chính, thu hộ không có sự xác
thực thông tin cá nhân dẫn đến các đối tượng có thể che giấu thông tin; việc
kiểm soát hàng hóa vận chuyển (qua bưu chính, qua vận tải hàng hóa, dịch vụ thu
hộ...) còn nhiều sơ hở để các đối tượng lợi dụng hoạt động đang là những vấn đề
đặt ra trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trong lĩnh vực này.
Qua thực tiễn phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến
vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên thấy, đây là loại tội phạm có độ ẩn
cao, luôn có sự đề phòng, cảnh giác; lợi nhuận thu được từ việc mua bán, gia
công, chế tạo các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có thể thu lời bất
chính từ vài triệu đến hàng trăm triệu đi khi giao dịch thành công một đơn
hàng. Đồng thời lợi dụng sự khan hiếm không có yếu tố cạnh tranh, độ ấn cao nên
đã kích thích mục đích phạm tội của các đối tượng. Một số đối tượng có thể tự
học, nghiên cứu theo các hướng dẫn trên mạng xã hội để mua các linh kiện về chế
tạo, sản xuất để bán kiếm lời dễ dàng; việc xử lý hành vi phạm tội gặp khó
khăn, khó xử lý hình sự nếu không phải vũ khí quân dụng hoặc vũ khí có tính năng
tác dụng tương tự vũ khí quân dụng; mặt khác để đối phó các lực lượng chức năng
các đối tượng chia nhỏ các bộ phận, linh kiện rồi gửi nhiều lần nên khó xử lý.
Đáng chú ý, chế tài xử lý còn gặp nhiều khó khăn, không tương xứng với hành vi
của đối tượng… chủ yếu là xử lý hành chính nên chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn…
Nguyên nhân là do Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ,
công cụ hỗ trợ chưa quy định cụ thể về các loại vũ khí tương tự vũ khí quân
dụng (súng bắn hơi ga, hơi cồn, sử dụng khí nén); quy định về quản lý của các
loại linh kiện chế tạo, sản xuất vũ khí, công cụ hỗ trợ… Chính vì vậy, các đối
tượng đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận
chuyển, sử dụng trái phép các loại súng tự chế (súng bắn đạn ghém, súng
săn, súng nén ga, súng nén hơi…), vũ khí thô sơ (các loại
dao, lưỡi lê, đao, kiếm, giáo, mác, thương, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy,
cung, nỏ) và linh kiện để lắp ráp vũ khí nếu
không kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các đối tượng trên sẽ
tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Từ thực tiễn nêu trên, việc nghiên cứu, sửa đổi Luật Quản lý, sử
dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là vấn đề rất bức thiết đặt ra để
góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới.
Nguồn: Bộ Công an